Tài năng và nhân cách Chu Du

Tài năng quân sự

Chu Du từ lúc mới 20 tuổi đã cùng Tôn Sách đi chinh chiến khắp Giang Đông, giúp Sách đặt nền móng cho Đông Ngô sau này. Sau khi Tôn Sách chết, ông tiếp tục thống lĩnh quân đội của Tôn Quyền, các trận đánh lớn, nhỏ do ông chỉ huy hầu hết đều đạt được thắng lợi. Việc Chu Du khuyên Tôn Quyền không đưa con và triều làm con tin[52] cũng cho thấy khả năng phân tích tình hình và nhận định chiến lược của ông.

Sau khi liên quân thắng trận, Lưu Bị tuy muốn ly gián Chu Du và Tôn Quyền, nhưng vẫn phải khen ông rằng:[84]

“Công Cẩn văn võ thao lược, là anh tài trong đám vạn người.”[84]

Năm 731, Đường Minh Hoàng cho xây Võ miếu đầu tiên gọi là Thái Công Thượng phụ miếu, thờ chủ thần là Khương Thái Công cùng 10 danh tướng các thời. Năm 782, Đường Đức Tông đưa thêm vào Võ miếu một số danh tướng như Tôn Tẫn, Liêm Pha, Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh... trong đó thời Tam quốc có Chu Du,[101] Đặng Ngải, Quan Vũ, Trương Phi.

Trần Văn Đức, tác giả sách Khổng Minh Gia Cát Lượng Đại Truyện (thuộc thể loại Tam Quốc ngoại truyện) đánh giá Chu Du là một thiên tài quân sự. Những phân tích của Chu Du về thực lực của quân Tào trước trận Xích Bích cho thấy ông có thiên tài vạch sách lược chiến đấu, lại liên tục ở chiến trường nên thông tin tình báo của ông rất phong phú và chính xác, các quan tướng Đông Ngô khác đều không sánh kịp. Gia Cát Lượng dẫu chú trọng việc tình báo cũng chẳng bằng được.[102] Khi trận Xích Bích diễn ra, Chu Du 34 tuổi, kinh nghiệm trên võ đài quốc tế và thực tế chiến trường đều hơn hẳn Gia Cát Lượng mới 28 tuổi.[103] Chu Du lại rất chiếu cố với Gia Cát Lượng, có thể tin rằng Lượng đã học tập được ở Chu Du và Lỗ Túc nhiều điều bổ ích.[83] La Quán Trung khi viết tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đã hư cấu rằng nhân vật Chu Du ghen tức tài năng của nhân vật Gia Cát Lượng, đây chỉ là sự tô vẽ của nhà văn, không đáng tin cậy.[2][3]

Dịch Trung Thiên, tác giả sách Phẩm Tam Quốc cho rằng Chu Du có lẽ đánh trận rất đẹp, chỉ huy quân đội cũng giống như chỉ huy ban nhạc, biến chiến tranh thành nghệ thuật, thân là tướng soái mà quạt lông khăn lượt thì đấy là phong thái của nho tướng, bày mưu trong trướng, theo kế chỉ huy, cuối cùng đã khắc địch, lấy ít đánh nhiều giành lấy phần thắng. Chu Du lúc này được coi là thiếu niên anh hùng, ý chí ngời ngời, chiếu sáng khắp nơi.[104] Lúc đó Chu Du thậm chí còn không xem Gia Cát Lượng là địch thủ hàng đầu của mình, chẳng cớ gì phải tìm cách ám hại.[4]

Nhân cách

Tưởng Cán được Tào Tháo phái đi dụ Chu Du về với mình, lúc trở về nói rằng: “Chu Du tao nhã tột bậc, rộng lượng, có chí khí lớn, không thể dùng lời nói mà ly gián được”.[105]

Ngô Lục của Trương Bột chép: Lưu Bị mượn 2.000 quân của Chu Du, Du liền đưa thêm hai nghìn người cho Bị.[90]

Chu Du là người có chí lớn, phong độ hơn người, nói năng đĩnh đạc. Ông đối đãi với mọi người rất khiêm tốn, lễ phép và thường lấy đức để thu phục mọi người. Thời Tôn Sách, Tôn Quyền còn trẻ và chỉ làm tướng quân, mọi người thường thiếu lễ độ, nhưng Chu Du vẫn rất giữ phép tắc.[106][107]

Trình Phổ lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vụ ở dưới, thường tỏ ý không phục, nhiều lần lấn át, khinh thị ông. Chu Du vẫn nhún nhường, nhất định không so bì tranh chấp với Trình Phổ. Sau này dần khiến Trình Phổ phải tự kính trọng, khâm phục ông.[106] Phổ nói với người khác rằng:

Ta giao tiếp với Chu Công Cẩn, như uống rượu nồng, chẳng biết say lúc nào nữa.[106]

Người đương thời cho là Chu Du khiêm nhường mà thu phục được được người khác.[106]

Nhà văn La Quán Trung khi viết tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa (thế kỷ 14) cũng mô tả Chu Du là người lễ độ nho nhã, rất được binh sỹ yêu mến, nhưng nhân vật Chu Du lại hẹp hòi đố kỵ với Gia Cát Lượng, điều này thì trong sử sách hoàn toàn không có ghi lại, chỉ là do nhà văn tô vẽ để tâng bốc nhân vật Gia Cát Lượng.[2][3][4]

Am hiểu âm luật

Chu Du có đầy đủ khí chất tài hoa. Ông không chỉ trau dồi nhân phẩm, giỏi trận mạc mà còn am hiểu nghệ thuật, nhất là âm nhạc. Ngay cả khi rượu đã 3 tuần, tức đã ngà ngà say, ông vẫn chỉ ra nốt nhạc đánh sai trong dàn nhạc cung đình. Vậy nên mới có chuyện người đương thời lưu truyền câu "khúc hữu ngộ, Chu Lang cố" (khi nốt nhạc đánh sai, Chu Lang liền ngó về phía đó).[11] Một con người tài hoa như vậy, với âm nhạc mà còn thế, chắc chắn biết điều binh khiển tướng, nắm vững nghệ thuật tiến hành chiến tranh.[98]

Nhà thơ Lý Đoan thời Đường có bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt Minh tranh (鳴箏) nhắc đến điển cố trên:

Chữ HánPhiên âmDịch nghĩa
鳴箏金粟柱Minh tranh kim túc trụGảy chiếc đàn tranh có trụ vàng
素手玉房前Tố thủ ngọc phòng tiềnBàn tay nõn nà trước phòng ngọc
欲得周郎顧Dục đắc Chu Lang cốMuốn được Chu Lang ngoảnh lại nhìn
時時誤拂弦Thời thời ngộ phất huyềnNên thỉnh thoảng lại gảy nhầm dây

Quạt lông, khăn lược

Nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha vào thế kỷ 11 đã viết bài Niệm nô kiều - Xích Bích hoài cổ (念奴嬌-赤壁懷古), trong đó miêu tả Chu Du tay cầm quạt lông, đầu đội khăn lược, phong thái anh hùng, nói cười khoan khoái mà tiêu diệt quân Tào.

Chữ HánPhiên âmDịch nghĩa
遙想公瑾當年Dao tưởng Công Cẩn đương niênNhớ lại Công Cẩn thời bấy giờ
小喬初嫁了Tiểu Kiều sơ giá liễuMới vừa cưới Tiểu Kiều[108]
雄姿英發Hùng tư anh phátTư thái anh hùng
羽扇綸巾Vũ phiến luân cânQuạt lông khăn lụa[109]
談笑間Đàm tiếu gianGiữa lúc nói cười
檣櫓灰飛煙滅Cường lỗ hôi phi yên diệtGiặc mạnh tiêu theo khói

Hơn 300 năm sau, nhà văn La Quán Trung vào thế kỷ 14 lại miêu tả nhân vật Gia Cát Lượng trong Tam quốc diễn nghĩa cũng "quạt lông, khăn lược", hô mưa gọi gió để tiêu diệt quân Tào ở Xích Bích. Do sự nổi tiếng của tiểu thuyết này, hình tượng quạt lông, khăn lược trở nên gắn liền với Gia Cát Lượng.